NỖI LÒNG CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI:
Đại Úy VÕ LỆ
Phan Tấn NgưuCách nay hơn 10 năm, có một phụ nữ liên lạc với chúng tôi và xin đăng quảng cáo trên Đặc San Xuân Phượng Hoàng.
Đi xin quảng cáo và được nhận đã là điều may, đằng này lại có người liên lạc để được đăng, cũng là chuyện hiếm có.
Từ cái hiếm có này, tìm hiểu ra, được biết người phụ nữ đó không ai khác hơn là vợ của Cố Chiến Hữu Võ Lệ, nguyên là Sĩ Quan Khóa 3 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, là Đại Đội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Bộ Chỉ Huy CSQG tỉnh Phước Long, thuộc Bộ Chỉ Huy Khu III Biên Hòa.
Trở lại giai đoạn lịch sử cuộc chiến của Quân Dân miền Nam, từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hòa, chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ, từ nhân sự cho đến phương tiện. Đến khi bọn phản chiến làm mưa làm gió trên chính trường, Hoa Kỳ đành phải rút quân sau khi bốn bên ký Hiệp Định Paris 27 tháng 1 năm 1973 và từ đó Việt Nam Cộng Hòa phải “tự lực cánh sinh” để đối đầu với bọn Cộng sản Bắc Việt đang được Liên Xô và Trung Cộng yểm trợ mọi mặt.
Những trận chiến nãy lửa từ vùng vĩ tuyến đến tận vùng đất mũi Cà Mau đã cướp đi biết bao sanh linh của những Chiến Sĩ VNCH, vẫn ngày đêm đối đầu quân giặc bằng sự hạn chế tất cả quân trang, quân dụng.v.v...
Riêng tại vùng III, bọn cộng sản đã mở cuộc tấn công tại tỉnh Phước Long vào tháng 1 năm 1975 và tỉnh bị thất thủ không lâu sau đó. Tất cả các đơn vị phải “mở đường máu” để chạy thoát.
Bộ Chỉ Huy CSQG tỉnh Phước Long cùng toàn bộ nhân viên phải vượt qua Sông Bé để chuyển quân sang địa phận tỉnh Quảng Đức. Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến (CSDC) của Đại Úy Võ Lệ cũng chạy thoát theo đường này, nhưng khi về đến địa phận tỉnh Quảng Đức, chỉ còn lại khoảng 30 nhân viên CSDC, một số nhân viên sắc phục và Cảnh Sát Đặc Biệt. Theo lời kể của mấy anh em CSQG chạy thoát được, Đại Úy Võ Lệ cùng một số đông nhân viên CSDC đã bị VC phục kích trong lúc vượt qua Sông Bé và không biết còn sống, bị bắt hay đã “vị quốc vong thân”.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, vợ của Võ Lệ, chị Bùi Thị Bích, thường gọi là Bích Ngọc, được anh Đồng là tài xế của Đại Úy Võ Lệ tìm đến nhà và trao 2 bức thư của Võ Lệ cùng một số tiền, một tài sản cuối đời anh gởi về cho gia đình. Riêng phần Võ Lệ đang bị thương nặng, sắp chết. Chúng ta hãy cùng đọc thư của “người sắp chết” viết về cho vợ:
Thư thứ 1:
“Rừng già ngày 16.01.75
Ngọc yêu của anh,
Anh bị thương nặng vào lúc 14g30 ngày 15.01.75 và đến sáng nay anh cố gắng đi về thấy mặt em và 2 con, nhưng vô vọng, anh đi không nổi. Đành chấp nhận chết trong rừng sâu. Trước khi nhắm mắt anh vẫn kêu tên em và 2 con Huy, Châu, niềm an ủi duy nhất của đời anh. 7 năm Trời, vợ chồng mình sống chung nếu có điều gì làm em buồn, xin em cũng bỏ qua. Bởi vì lúc nào anh cũng yêu em. Bên cạnh anh đây là anh Đồng đã ngủ chung với anh đêm nay nhưng thấy tình trạng quá tuyệt vọng nên anh để Đồng đi. Còn anh yên giấc nghìn thu. Lời trối trăn cuối cùng là em cố gắng nuôi dưỡng dạy dỗ 2 con cho đến ngày khôn lớn và cầm số tiền ở Đồng gởi cho Ba Mẹ sống lúc tuổi già.
Anh thương kính Cậu Mợ nhiều.
Cho anh hôn tất cả
Anh….(Ký tên…) ..”
Thư thứ 2:
“Rừng già Quảng Đức,
Ngọc và 2 con Châu Huy,
Anh sắp chết trong rừng già lạnh lẽo. Trước khi nhắm mắt anh yêu em và 2 con lắm. Em cố gắng nuôi 2 con mạnh khỏe và đến ngày khôn lớn.
Anh trúng 1 viên đạn sau lưng sau khi dẫn Đội.
Anh yêu em và 2 con lắm. Nói với Ba Má và Cậu Mợ thương cháu Châu và Huy nhiều hơn.
Hôn em và 2 con nhiều thật nhiều. Em cầu nguyện cho anh chết thật bình thản.
Anh.”
Trong cuộc chiến bảo quốc trước 1975, tất cả người chiến sĩ VNCH đều coi sự sống chết là lẽ thường tình. Hôm nay bạn mình đã ngã xuống, nhưng biết đâu ngày mai sẽ tới … mình! Nhiều anh em khi trở về đơn vị sau cuộc hành quân và kiểm điểm ai còn ai mất, thường chọc nhau bằng câu “đạn nó tránh mình chớ mình làm sao mà tránh nó…”
Nhưng lẽ thường tình đó, khi đặt vào trường hợp này, nó trở nên quá bi thương cho một đời người. Đó là người bị trọng thương và biết mình không thể sống trong giữa khu rừng già, không có được một hy vọng nào để mà sống, đến nỗi người gần gũi, thân cận nhất cho đến cuối quãng đời chinh chiến điêu linh, mình cũng đành phải chia tay…
Cái cảm nghĩ của một người sắp chết, chưa một ai dám được trãi qua, nhưng những lời trăn trối được nghe, được chứng kiến, đã có khá nhiều trong sử sách. Từ những vị vua, quan cho đến một cụ già cô đơn đều có những nỗi lòng muốn nhắn gởi lại tha nhân.
Chiến sĩ Võ Lệ cũng có nỗi lòng của mình, mà nỗi bật nhất là tình thương của mình đối với vợ con và cha mẹ.
Khi lên nhận nhiệm vụ ở Bộ Chỉ Huy Phước Long, vì tình hình chiến sự quá nặng nề ở một tỉnh trong vùng giới tuyến này, anh đành phải để gia đình, với vợ và hai con ở lại mà đi một mình. Tại vùng III, chẳng mấy ai lạ gì các tỉnh địa đầu: Bình Long, Phước Long, Quãng Đức, Tây Ninh v.v… Khi được thuyên chuyển về các tỉnh này, trong lòng ai cũng nghĩ là mình đang bị “đày”, ra đi nhưng ít dám hẹn ngày trở lại.
Đại Úy Võ Lệ cũng là một bạn đồng môn Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, cách nhau hai khóa 1 – 3, vào năm 1975 tuổi đời chỉ mới 28. Tinh thần của một sĩ quan trẻ, nhất là từ khi có các khóa Biên Tập Viên Rạch Dừa và sau này có Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, ít khi tính toán cái tốt, cái xấu, để mà chọn lựa như các “cụ tiền bối” ngày xưa.
Những lời trăn trối của Đại Úy Võ Lệ, là cả một nỗi lòng bị dồn nén suốt bao năm phải sống xa vợ, xa con. Ban ngày thì lo thi hành công vụ, mà Cảnh Sát Dã Chiến hầu hết công tác là “đi đánh giặc”, là đi đối đầu với lẳn tên mũi đạn. Khi đêm về, hoặc lúc được nghỉ ngơi, làm sao không nghĩ đến vợ con đang sống nơi xa.
- Không biết vợ mình, con mình hiện sống ra sao? Tiền bạc vợ mình có đủ để lo cho ác con không và các con học hành có giỏi không?
…Và biết bao câu hỏi mà không một lời giải đáp.
Vì không có một lời giải đáp nên tâm trạng bị dồn nén và chỉ chờ ngày…
Thói thường, những khi giận hờn ai hay thương nhớ điều gì, chỉ chờ khi được gặp nhau để nói dăm câu, kể cả những lời chưởi mắng, cho “hạ áp huyết”, cũng cảm thấy vui vui.
Tâm trạng của Võ Lệ cũng là tâm trạng của tất cả mọi người đang đứng trước ngả rẽ cuộc đời, của sự sống và sự chết. Cái đau đớn của Võ Lệ, biết mình sắp chết mà không được gặp lại vợ con!
Khi đọc thư của Võ Lệ, những đớn đau đó không phải của riêng anh mà của mọi người chiến sĩ VNCH, đã chấp nhận tất cả, kể cả điều tệ hại nhất, để phục vụ Tổ Quốc.
Sau tháng 4 năm 1975, chị Bích Ngọc đã cùng gia đình và hai con, theo làn sóng trốn chạy Cộng Sản, may mắn vượt thoát được khỏi Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ.
Không cần diễn đạt nơi đây, như biết bao người mới định cư, chị Bích Ngọc đã làm tất cả mọi công việc để có tiền nuôi gia đình và dưỡng dục cho 2 con. Kết quả cháu gái đầu, tên Châu, đã tốt nghiệp Dược Sĩ và tiếp sau đó, có thêm một Dược Sĩ tên Võ Huy.
Sau khi gia đình được ổn định và hai cháu đã học hành thành đạt, chị Bích Ngọc bắt đầu liên lạc và tham gia sinh hoạt với Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam California cũng như các Hội Đoàn bạn trong vùng.
Đến với Hội Cảnh Sát Quốc Gia, chị muốn tìm lại phần nào những kỹ niệm của người chồng, mà màu áo hoa rừng của Đại Úy Võ Lệ làm sao chị có thể quên được. Đến với Hội CSQG, chị muốn gặp lại những người bạn cùng khóa cũng như cùng đơn vị với chồng mình, ít nhất trong khoảnh khắc nào đó, chị có dịp giải bày tâm sự một khoảng đời đã qua và cuộc sống ngày nay, dù mình chỉ có được phân nửa cái tâm sự đó!
Kỷ niệm không bao giờ quên khi được dự đám cưới của cháu Võ Huy ngày 28 tháng 7 năm 2012 tại Nam Cali. Chị Bích Ngọc, đặt tôi ở vị trí đại diện cho nhà trai để đến rước dâu và “phải” nói đôi điều với quan khách trước khi hai cháu làm lễ gia tiên và ra mắt hai họ. Trong lúc nói chuyện, khi nhắc tới thân phụ cháu Huy, Đại Úy Võ Lệ, tôi phải “đứt khoản” đôi lần, vì tôi cảm thấy bạn đồng môn Võ Lệ hiện đang đứng bên tôi và bạn đang mĩm cười trong ngày cưới của hai cháu Võ Huy và Ngô Minh Châu.
Khi ra sinh hoạt với các Hội Đoàn, chị Bích Ngọc thường tìm đến mấy anh Biệt Động Quân, vì lúc đó (tháng 1/1975) hãy còn mấy đơn vị Biệt Động Quân trú đóng trong khu vực đó, nhưng chỉ nhận được những điều dự đoán và những điều có thể xảy ra mà thôi.
Cách nay hơn 6 năm, chị Bích Ngọc, cùng với ước muốn của các con, đã về Việt Nam, tìm đến khu rừng dọc hai bên bờ sông Bé ngày xưa, cũng như hỏi thăm bất cứ người dân nào trong vùng còn nhớ đến cuộc chiến hơn 40 năm trước, có một toán lính rút lui vào tháng 1 năm 1975 và bị phục kích v.v… Nhưng tất cả đều vô vọng vì ít ai còn nhớ, khi tất cả đã thay đổi gần hết, từ con người cho đến địa thế sau hơn 40 năm!
Những lần gặp chị Bích Ngọc đến sinh hoạt với Hội CSQG, tôi được nghe kể ít nhiều về chị và gia đình, nhất là sự hy sinh của Đại Úy Võ Lệ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng sau khi đọc được hai lá thư mà anh gởi về gia đình trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cảm thấy mình phải làm cái gì đó cho người bạn xấy số này và tôi xin chị một số chi tiết về gia đình trước và sau tháng 4 năm 1975. Đến nay tôi mới viết lại chuyện này, vì tôi đã hứa với chị Bích Ngọc từ hơn 2 năm trước.
Cách nay không lâu, Cộng Đồng người Việt ở Thành Phố Westminster đã làm lễ an táng cho 81 Chiến Sĩ Nhảy Dù bị mất tích vì tai nạn phi cơ vào ngày 11 tháng 12 năm 1965 trong khu rừng núi mà bọn Việt Cộng đang kiểm soát. Ít nhất sau 54 năm, 81 Chiến Sĩ này hãy còn tìm được sự ấm áp trong tình thương yêu của đồng đội, đồng bào đến tham dự hai buổi lễ thật đông đảo tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Trong khi đó, Chiến Sĩ Võ Lệ, cũng đang chiến đấu và bị mất tích cách nay 44 năm, biết bao giờ tìm lại được hơi ấm của gia đình, của bạn đồng khóa và đồng môn Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia??
Tôi chỉ mong, trong tinh thần nhớ thương một đồng đội đã hy sinh, cầu mong bạn luôn được mĩm cười nơi chín suối và tình thương của bạn dành cho chị Bích Ngọc và hai cháu không bị lãng quên qua năm tháng.
PTN
Gửi ý kiến của bạn