(Vì sự yêu cầu của nhiều anh em các nơi, chúng tôi xin đăng lại bài này)
VỤ ÁN CỰU TRUNG TƯỚNG CAO ĐÀI
NGUYỄN VĂN THÀNH
Phan Tấn Ngưu
Đã nhiều lần, từ trước tháng 4/ 1975, cho đến những năm sau này khi được định cư tại Hoa Kỳ, tôi luôn bị thôi thúc bởi biết bao người thân quen, dù có là tín hữu Cao Đài hay không, đã yêu cầu tôi kể lại hay viết lại những chi tiết liên quan đến cái chết của Cựu Trung Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành, bị ám sát ngay trong Nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, vào rạng sáng ngày 22 tháng 11 năm 1972.
Sở dĩ mọi người muốn chính tôi kể lại vì có một tình tiết hết sức phức tạp cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ, là sau khi giết xong Tướng Nguyễn Văn Thành và trên đường rút lui ra ngoài khu vực Tòa Thánh, bọn Việt cộng đã cố tình đánh rơi lại khẩu súng lục hiệu Smith and Wesson, loại súng được trang bị rộng rãi cho Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, mà tất cả mọi người kể cả thường dân cũng thấy và biết được!
Cho đến thời gian sau này, khi có dịp tham dự những ngày lễ vía trong Đạo, trong lúc mọi người trò chuyện với nhau, dù họ có cố cho tôi nghe hay không, tôi không rõ lắm, và khi đề cập tới những “Đạo sự” từ xưa tới nay, họ có đề cập tới cái chết của Cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Thành, và họ đã đưa ra một nghi vấn, là có thể chính quyền Quốc Gia đã thực hiện việc này. Đây là lý do mà tôi thấy cần phải trình bày lại tất cả sự việc, từ lúc nó chưa xảy ra. . .
I/ BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ TẠI MIỀN NAM ĐỐI VỚI TÔN GIÁO CŨNG NHƯ QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI:
Trong phần này, chúng tôi sẽ đề cập tới tinh thần quốc gia, dân tộc của Tôn giáo Cao Đài, nói chung, hay của quân đội Cao Đài, nói riêng, trước hiện tình đất nước đang bị giằng co giữa chính quyền thực dân của Pháp đã, hay nói cho đúng hơn, là sắp sửa trao lại cho Quốc Gia Việt Nam và mặt trận Việt minh, mà Hồ chí Minh cầm đầu đã lợi dụng lòng yêu nước của hàng vạn thanh niên lúc bấy giờ để khuyến dụ họ hoạt động cho cộng sản. Tất cả đều mang một chiêu bài là vì “Độc lập, Tự do.v.v.”
Tháng 6 năm 1941, sau khi Pháp chiếm đóng Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, và đóng tất cả các Thánh Thất Cao Đài trên toàn quốc, chúng đã lưu đày Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đi Mã Đảo. Trước tình hình đó, tín hữu Nguyễn Văn Thành cùng một số đồng môn đành phải rút vào hoạt động bí mật và thành lập “Đạo Nghĩa Binh Cao Đài” chờ ngày lật đổ thực dân Pháp và phục hưng Đại Đạo. Đạo Nghĩa Binh này, trở thành Lực Lượng nồng cốt của Quân Đội Cao Đài sau đó. Đến tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Ông là một trong những cán bộ đầu tiên đã khuyến cáo những đồng môn Cao Đài về những chiêu bài Liên Hiệp mà Việt Minh đưa ra lúc đó để lừa bịp các chiến sĩ Quốc Gia hầu chúng có thể tiêu diệt và củng cố binh quyền cho bọn chúng. Tháng 9 năm 1945, khi thực dân Pháp tái xâm chiếm Việt Nam, đổ bộ vào Nam Bộ, Nguyễn Văn Thành cùng các cán bộ nồng cốt về lập chiến khu riêng biệt để kháng chiến chống Pháp và chống Việt Minh. Những chiến trận lừng danh lúc bấy giờ (có thể là bách chiến bách thắng) do các Chi Đội 7 và 8 dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Hoài Thanh tức Nguyễn văn Thành và Tướng Trịnh Minh Thế lập nên. Cả hai Pháp và Việt Minh không làm sao khuất phục nỗi 2 Chi Đội này. Tháng 8 năm 1946, thực dân Pháp nhượng bộ, đưa Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về lại Tòa Thánh và Hội Thánh được quyền hồi phục các hoạt động của Đạo cũng như các cơ sở Đạo trên toàn quốc như trước kia. Vâng lệnh Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, các Chi Đội 7 và 8 dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Hoài Thanh, về hợp tác với Pháp để bảo vệ cũng như phát triển Đạo và cùng nhau lo việc chống cộng sản đang bành trướng khắp nơi. Quân Đội Cao Đài được thành hình chính thức từ đó.
Từ cách trình bài tổng quát như trên, chúng ta phải thấy rằng, quân đội Cao Đài luôn đứng trước hai kẻ thù: Thực dân Pháp và Việt Minh. Một kẻ thù ngoài ánh sáng và một kẻ thù trong bóng tối. Từ thời chính quyền Bảo Đại, dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, cho đến Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, giới lãnh đạo Quốc Gia đều thấy rõ tinh thần chống cộng của tín hữu cũng như quân đội Cao Đài. Những cấp lãnh đạo từ cấp Trung Ương cho đến cấp địa phương đã biết khai thác lợi thế này. Thời Đệ I Cộng Hòa, vì muốn tập trung quyền bính trong tay cũng như tránh tình trạng phân hóa của những “lãnh binh” trong quân đội, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho sáp nhập quân đội Cao Đài cũng như quân đội của các giáo phái khác, nên đã tạo ra cuộc binh biến năm 1955, mà quân đội Cao Đài có những sự hy sinh không nhỏ, như là cái chết của Tướng Trịnh Minh Thế, còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thành và một số nhân sĩ Quốc gia thuộc các đảng phái và giáo phái khác bị án tử hình và đày đi Côn Đảo. (Những nhân vật nằm trong Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia).
Đến thời đệ II Cộng Hòa, khi ổn định được chính quyền trung ương sau hàng loạt những cuộc đảo chính, chỉnh lý, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký Sắc Lệnh công nhận “Tư Cách Pháp Nhân” của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh vào năm 1971 ngay trong ngày lễ vía Đức Chí Tôn, ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, Niên Đạo thứ 46 (tháng 2/ 1971), nhân dịp Tổng Thống thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại Tòa Thánh Tây Ninh. Lúc đó, cựu Trung Tướng Nguyễn văn Thành đã từ bỏ nhiệm vụ là một thành viên của Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp ( từ năm 1964 ) và đang giữ chức vụ Quyền Tổng Thanh Tra Đặc Trách Chính Trị Đạo kiêm Chưởng Quản Cơ Thánh Vệ và Cơ Bảo Thể của Hội Thánh Cao Đài. Với chức vụ đó, Tướng Nguyễn Văn Thành là người thường được chính phủ tham khảo ý kiến về tất cả những vấn đề liên quan đến Tôn Giáo cũng như những vấn đề nãy sinh do cuộc chiến quốc cộng trên khắp cả miền Nam lúc bấy giờ (mà những vị Tỉnh Trưởng của Tây Ninh đã đóng vai trò liên lạc then chốt trong nhiệm vụ này).
Cuộc chiến càng ngày càng trở nên ác liệt hơn, mà tại vùng Tây Ninh, cũng như những vùng khác, nơi có Đạo Cao Đài, luôn là một trở lực lớn cho nhu cầu bành trướng các hoạt động của bọn cộng sản. Ngoài việc thanh niên con gia đình Đạo gia nhập vào các Quân Binh Chủng cũng như CSQG của chính phủ, còn tín hữu Cao Đài, đa số họ đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác, bằng cách này hay cách khác, ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh, đối với những yêu cầu của Việt cộng. Tất cả những khó khăn này, bọn chúng đều qui kết nguyên do là vì sự hiện diện của Chánh Thanh Tra Đặc Trách Chính Trị Đạo, cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Thành tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh!
II/ THỜI GIAN TRƯỚC NGÀY 22/ 11/ 1972:
Trước nhiệm vụ đối với Đời và Đạo, Trung Tướng Nguyễn Văn Thành luôn là cái gạch nối giữa Tòa Thánh Tây Ninh và Chính Phủ, để giải quyết những nhu cầu của cả hai bên. Quan khách Chính Phủ đến viếng Tòa Thánh, kể cả Tổng Thống, đều do cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Thành sắp xếp và hướng dẫn.
Ngay khi chúng tôi mới đến phục vụ tại BCH/ CSQG Tỉnh Tây Ninh, vào giữa năm 1970, một trong những điều đầu tiên mà tôi phải làm là tìm hiểu tình hình nội chính của Tỉnh, hay đúng hơn là của Đạo Cao Đài. Lật lại những báo cáo của những tình báo viên diện địa cũng như xâm nhập, từ cấp Huyện ủy, Tỉnh ủy và cao hơn. . . trước đây cũng như mới nhất, được biết bọn cộng sản đều chỉ thị các cơ sở trong cũng như ngoài phạm vi Tòa Thánh, phải giết cho bằng được Tướng Nguyễn Văn Thành. Bọn chúng kết tội ông, nào là CIA, là mật vụ cho Cảnh Sát, là cán bộ Quốc gia đang làm việc cho Chính phủ v.v...
Ngay sau đó, sau khi tham khảo ý kiến với Chỉ Huy Trưởng CSQG Lương Quang Khương và Tỉnh Trưởng Tây Ninh lúc bấy giờ là Đại tá Lê Văn Thiện, tôi xin và được vào gặp Tướng Nguyễn văn Thành tại văn phòng ông trong nội ô Tòa Thánh. Sau khi tôi trình bày tất cả sự kiện liên quan đến tình hình chung, cũng như đến vấn đề an ninh riêng cho cá nhân ông, với nhiệm vụ của Trưởng F/ Đặc Biệt, tôi xin ông cho chúng tôi được bảo vệ ông. Ông ngồi im lặng và suy nghĩ rất nhiều. Hồi lâu sau đó ông hẹn tôi vào sáng ngày mai ông sẽ trả lời.
Ngày hôm sau, trước khi ông trả lời theo sự yêu cầu của chúng tôi, ông có tâm sự đôi điều về cá nhân ông cũng như về Đạo:
- Suốt đời ông, từ ở lứa tuổi mới trưởng thành, qua bao nỗi điêu linh của đất nước, ông đã thấy được cái khổ hạnh của người dân bị trị, từ đó, khi lớn lên, hoạt động trong lực lượng quân đội Cao Đài, ông chỉ có một ước vọng là xây dựng cho Quốc Gia có được một quân đội hùng mạnh để có thể giải phóng cho dân tộc. Đây là con đường đã bắt ông phải hy sinh, phải chịu nhiều gian khổ khi quân đội Cao Đài phải nằm trong thế “lưỡng đầu thọ địch”.
- Về sự kiện năm 1955, với cái chết của Tướng Trịnh Minh Thế, ông chỉ cho biết là ông và Tướng Thế đã tính sai nước cờ, để cho một nhân tài phải hy sinh. Ngay cả Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, cũng đã phân vân, khi Tướng Thế xin đem quân về “hợp tác” với chính phủ. Đó là lý do tại sao, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho mời ông, ông đã từ chối, dù ông vẫn biết rằng sự từ chối đó là sẽ gây bao khó khăn cho ông. (Việc này có liên hệ đến một vị Tướng khác của Quân đội Cao Đài, chúng tôi sẽ đề cập tới trong một bài khác). Sau đó Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong qua Nam Vang (Kampuchia) vào đầu tháng 2 năm 1956 (nhằm ngày mùng 5 Tết Bính Thân) qua ngã Gò Dầu Hạ. Ông mất tại Nam Vang.
- Khi nói chuyện với chúng tôi, ông cho biết là ông không hề sợ chết. Nếu sợ chết, có lẽ ông không phải trải qua những giai đoạn thập tử nhất sinh trong những thời kỳ qua. Ông chỉ tiếc có một điều là nếu ngay bây giờ ông chết đi, những công việc mà ông muốn làm cho Đạo và cho Đời sẽ bị bỏ lỡ thêm một lần nữa! Và ông kết luận, tùy nghi các “em” muốn làm sao cũng được, nhưng đừng cho anh em mặc sắc phục hiện diện trong Tòa Thánh. (trong đối thoại giữa chúng tôi và ông, ông thường xưng “tôi” và gọi chúng tôi bằng “em”).
Ngay sau đó, chúng tôi đến gặp ông Tỉnh Trưởng để mời quí vị sau đây đến họp, dưới sự chủ tọa của ông: Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia, Trưởng Phòng 2, Trưởng Ty An Ninh Quân Đội và Chỉ Huy Trưởng Thám Sát Tỉnh (lúc đó Thám Sát Tỉnh chưa sáp nhập qua Cảnh Sát Đặc Biệt). Kết quả, các cơ quan an ninh rất hợp tác và sẵn sàng cung cấp người, nhưng số lượng nhiều nhất vẫn là Cảnh Sát Đặc Biệt, cho có đủ 12 người, chia làm 3 ca, để bảo vệ ông suốt 24/ 24 giờ (mỗi ca 4 người).
Tất cả12 nhân viên này được chúng tôi chọn, đều là tín hữu Cao Đài, mặc đạo phục và sống với ông suốt ngày đêm, kể cả việc phục dịch nơi làm việc, nơi ở cũng như đi theo ông khi ông đi bên trong cũng như ngoài ngoại ô Tòa Thánh. Đương nhiên, 12 anh em này, đã được chúng tôi cũng như những cấp chi huy liên hệ dặn dò nhiều chuyện khác, kể cả việc thiết lập hệ thống truyền tin để liên lạc. Việc bảo vệ Tướng Thành được bắt đầu từ đó, cho đến gần 2 năm sau. . . .
- Suốt 2 năm, từ cuối năm 1970 cho đến khi Tướng Nguyễn Văn Thành bị ám sát chết, rất nhiều lần các cố vấn Mỹ đến nhờ tôi xin được gặp ông, tại văn phòng của ông hay ở bất cứ nơi nào mà ông muốn, và ông cũng đã nhiều lần từ chối đề nghị này. Cho đến tháng 6 năm 1972, sau 2 lần xin, ông đã chấp thuận cho cố vấn Mỹ đến gặp ông với điều kiện phải có sự hiện diện của chúng tôi, CSQG. Cố vấn này tên là Bernard D’Ambrossio. Cuộc gặp này chỉ có tính cách xả giao, mà không hề có bàn bạc, thảo luận gì đến chính trị hay bất cứ một đề tài nào. Phần cố vấn Mỹ, tôi có hỏi tại sao lại muốn gặp Tướng Nguyễn Văn Thành, thì được trả lời, là vì phía người Mỹ có biết nhiều về cuộc đời, cũng như những việc mà Tướng Nguyễn Văn Thành đã làm từ trước đến nay, nên họ muốn diện kiến ông với sự ngưỡng phục của một người Mỹ đang thi hành nhiệm vụ tại Việt Nam.
- Về phần chúng tôi, mỗi khi sinh hoạt, gặp gỡ với các cán bộ điều khiển thuộc G/ Công tác, chúng tôi thường nhắc lại nhu cầu, cố gắng tìm hiểu xem có tổ chức hay cơ sở nào được phân công thực hiện việc giết Tướng Nguyễn Văn Thành hay không. Những nhu cầu này, tôi thường đặt cho những tình báo viên hoạt động trong phạm vi huyện Tòa Thánh và huyện Dương minh Châu (của cộng sản phân chia và đặt tên). Suốt gần hai năm trời, bọn cộng sản chỉ có đưa công tác nhưng không thấy có chỉ thị gì rõ rệt.
- Khoảng tháng 7 năm 1972, tại chợ Tây Ninh cũng như dọc theo các con đường nối tỉnh lỵ với chợ Long Hoa, như đường qua Ao Hồ, đường qua Trãng Dài v.v... xuất hiện một cô gái điên, khoảng non 30 tuổi, ăn mặc áo quần xốc xết vá nhiều loại vải khác màu vừa đi vừa nói bâng quơ, mà có lần xe của chúng tôi cũng bị cô ta đón đầu, đến nỗi tài xế phải xuống xe năn nỉ cô mới chịu tránh ra cho đi. Hình ảnh của cô gái điên này, trở nên quá quen thuộc với bao người sống trong vùng tỉnh lỵ và vùng Long Hoa, nhất là quân nhân, công chức sống ở Long Hoa, hàng ngày đi làm ở tỉnh lỵ Tây Ninh, đa số phải qua hai con đường này.
- Vào khoảng tháng 8 năm 1972, nhân ngày lễ vía Trung Nguơn, rằm tháng 7 âm lịch, Tòa Thánh Tây Ninh họp tất cả Chức sắc, các Ban bộ thuộc Tòa Thánh để bàn về việc Hội Thánh Tây Ninh chịu trách nhiệm tổ chức Đại Hội các Chi Phái của toàn Đạo Cao Đài, để bàn về việc thống nhất các Chi Phái làm một. Đây là việc làm mà mọi người đều mong đợi. Sở dĩ có việc thống nhất này, vì từ ngày thành lập Đạo tháng 11 năm 1926, tôn giáo Cao Đài đã chia ra 12 Chi phái. Cả 12 chi phái không chống nhau, nhưng không tùy thuộc nhau, không Phái nào chịu lệ thuộc Tòa Thánh nào. Sau cuộc họp đó, Tòa Thánh quyết định Đại Hội vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, tức vía Hạ Nguơn (nhằm ngày 21 tháng 11 năm 1972). Sau đó Tòa Thánh gởi thiệp mời các Chi phái về dự. Và kỳ đó, là lần đầu tiên ngày lễ có số Đại biểu về dự đông đảo.
- Vào ngày 7 tháng 11 năm 1972, nhằm ngày mùng 1 tháng 10 Âm lịch, Tướng Nguyễn Văn Thành nhờ mấy người bảo vệ ông, liên lạc và cho biết là ông muốn gặp tôi tại văn phòng trong Tòa Thánh. Khi gặp, ông cho biết ý ông là muốn trả mấy anh em theo bảo vệ ông về lại đơn vị. Suốt gần 2 năm nay, ông thấy mấy anh em đó cực khổ quá nhiều, phần vì họ không có thì giờ để lo cho gia đình, vợ con v.v.. Ông nói thêm, nếu cộng sản có giết chết được ông, thì âu cũng là do Đức Chí Tôn định đoạt, con người không nên và không thể cãi với số trời! Ngay sau quyết định này, dù nhân viên khác đã được trả về đơn vị, nhưng chúng tôi vẫn cắt đặt mỗi ngày 2 nhân viên CSĐB bảo vệ ông từ xa, phòng khi ông đi xe đạp ra vùng ngoại ô Tòa Thánh, đến các phận Đạo hay ở một nơi nào đó. Duy có trở ngại vào ban đêm, nơi nghỉ mà cũng là nơi làm việc của ông, bên ngoài chỉ có hàng rào sơ sài bao bọc, cách bờ tường nhà khoảng 2 thước, không còn ai ở lại với ông bên trong nữa.
III/ NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1972:
Những ngày Lễ Vía trong Tòa Thánh, dù có được yêu cầu hay không, chúng tôi vẫn có nhân viên ngụy thức hiện diện. Qua tin tức đã thu nhận được, ngoài việc bọn cộng sản định giết Tướng Nguyễn Văn Thành, bon chúng còn tìm cách gây tiếng vang để răn đe các chức sắc cũng như tín đồ Cao Đài trên toàn quốc, bằng cách rãi truyền đơn chụp mũ ông này ông nọ hoặc đặt chất nổ trong nội Ô Tòa Thánh v.v... Đặc biệt năm nay, có họp các Chi Phái về tòa Thánh nên sự đông đảo tín đồ tham dự là điều mà chúng tôi không thể lơ là. Huy động nhân viên CSĐB tại Bộ Chỉ Huy Tỉnh và BCH Quận Phú Khương (quận có Tòa Thánh tọa lạc), gồm khoảng 150 người. Sau khi nhận chỉ thị, chia toán ... số nhân viên này phải ngụy thức cho thích nghi và có mặt trong Tòa Thánh từ trưa ngày 14 tháng 10 (20/ 11/1972).
Sau những nghi thức tôn giáo, từ ngày 14 cho đến ngày rằm tháng 10, số tín hữu ngày càng đông, vì họ được biết vào tối rằm (21/11) Hội Thánh có chiếu Film, quay lại những nỗi thăng trầm cũng như sự phát triển của Đạo từ ngày khai Đạo tới nay (khai Đạo năm 1926). Tòa Thánh có máy phát điện riêng, thường ngày chỉ xử dụng vào đầu hôm, đến khoảng 10 giờ thì tắt, nhưng trong những ngày có lễ vía như kỳ này thì phải chạy trể hơn nửa đêm. Ngay tối hôm 21/11, trong khi đi làm nhiệm vụ, tôi có ghé qua văn phòng của Tướng Nguyễn Văn Thành để thăm như những lần trước đây, tôi thấy có Đại tá Lê Văn Thiện, Tỉnh Trưởng Tây Ninh đã có mặt ở đó cùng với mấy vị chức sắc trong Hội Thánh và tôi được tham gia trò chuyện với quý vị hiện diện. Khoảng 1 tiếng sau tôi trở ra ngoài lo công việc của mình. Quá nửa đêm, buổi chiếu film chấm dứt lúc 1 giờ sáng ngày 22/11, nhưng máy đèn vẫn còn chạy vì Hội Thánh còn đang tiếp khách phương xa, kể cả ông Tỉnh Trưởng sở tại đang còn ở lại trong Tòa Thánh.
Đến gần 3 giờ sáng ngày 22/ 11 máy đèn mới tắt và tín hữu lần lượt rời Tòa Thánh (giờ giấc ghi ở đây, trong cuộc điều tra sau này chúng tôi mới biết rõ) và chúng tôi đã trở về BCH khoảng 2 giờ sáng. Đến hơn 4 giờ 30, Chỉ huy Trưởng CSQG Tỉnh chạy xuống cho tôi hay là Trung Tướng Thành bị ám sát chết vào lúc 4 giờ 30 rồi! Hiện giờ cảnh Sát Quận Phú Khương đang cô lập hiện trường, còn ông Thành thì chở đi bệnh viện tỉnh, nhưng vừa đến nơi thì ông đã chết.
Tôi có mặt nơi hiện trường ngay sau đó. Cảnh sát quận lo làm mọi thủ tục pháp lý để trình tòa án, còn chúng tôi lo việc điều tra của chúng tôi. . . Khi tôi vừa đến nơi thì Tỉnh Trưởng cũng đã có mặt, và ông đưa cho chúng tôi khẩu súng lục Smith and Wesson, được bọc trong bao giấy nhựa, do một nhân viên An Ninh Quân Đội lượm được gần cử số 6 Tòa Thánh, ngay sau tiếng nổ phát ra khoảng 10 phút.
Việc tôi phải làm ngay khuya hôm đó, là tìm xem khẩu súng đó ở đâu mà ra! Sưu tra số trước tịch của khẩu súng, với những hồ sơ trước đây tại kho vũ khí, được biết khẩu súng này đã được báo cáo về Tổng Nha, bị mất vào hôm Tết Mậu Thân 1968, khi đồn Cảnh Sát Biên Giới và đồn Nghĩa Quân đối diện, ở Gò Dầu, bị bọn Việt cộng tấn công phải bỏ chạy. Cũng ngay hôm đó, tôi được lệnh Trưởng Khối Đặc Biệt, Đại tá Huỳnh Thới Tây, về trình diện ông trước 10 giờ sáng.
Trước khi về Khối, với tất cả sơ đồ và những báo cáo liên hệ mang theo, tôi qua gặp Ông Tỉnh Trưởng, cho biết lai lịch khẩu súng. Ông rất mừng và ông định làm thông báo, nhờ Ty và các Chi thông tin phát tin cho dân chúng cũng như tín hữu Cao Đài biết, là Việt cộng đã giết Trung Tướng Nguyễn Văn Thành, hầu thanh minh cho khẩu súng “bị” đánh rơi lại. Nhưng tôi trình ngay cho Ông Tỉnh trưởng, là trong hoàn cảnh hiện nay, mình càng thanh minh, người ta càng nghi ngờ mình, vì lai lịch của khẩu súng chỉ có mình biết, còn người ngoài người ta đâu thể biết rõ.
Khi về gặp Đại Tá Trưởng Khối, sau khi xem tất cả những tài liệu tôi trình cho, ông chỉ nói: “đúng là số mạng, thật là rắc rối!”. Đây là buổi gặp mà ông ít nói chuyện nhứt. Sau đó, ông bảo tôi về ngay và nói thêm:.. “tôi giao cho cậu 30 ngày”... Không cần giải thích, tôi cũng biết được giá trị của 30 ngày đó!
IV/ TRUY TẦM THỦ PHẠM:
Cái khó cho chúng tôi ngay từ phút đầu, là cho tới khi sự việc xảy ra, không có một tin tức, một manh mối nào cụ thể. Chúng tôi cùng bộ phận G/ Công tác, ngồi lật lại từng hồ sơ, từng báo cáo của các đầu mối, để tìm cho hết những mật báo viên, tình báo viên hoạt động trong Huyện ủy Tòa Thánh, hoặc những giao liên nào có liên hệ đến 2 tên Ba Dừa, Bí Thư và Tư Tịnh, phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Huyện. Bọn này trú ẩn trong vùng chân núi Bà Đen, và vùng xã Phước Hội (Suối Đá). Trong những lần trước đây, khi họp huyện ủy, chính hai tên này đặt ra yêu cầu phải giết cho được Tướng Nguyễn Văn Thành. Trong kế hoạch xâm nhập Bảo Quốc, bí số X.92, hai tên Ba Dừa và Tư Tịnh không bao giờ dám giao công tác như rãi truyền đơn, đặt chất nổ v.v... cho X.92, vì đương sự là một cơ sở có tầm vóc cao hơn, nếu bại lộ chúng sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn. X.92 có 1 cơ sở khác là 10.B, thường đi làm rẩy trong vùng chân núi. Bọn huyện ủy xử dụng tên 10.B để trợ lực cho X.92 mà cũng để kiểm soát mọi hành vi của TBV/ X.92. Tên 10.B có đứa con gái tên V.T.B thường theo cha đi làm trong vùng chân núi Bà mà là bạn học của V.T.B (2 đứa trùng tên và họ nhưng khác chữ lót 1 chút). Đứa thứ hai này là con của Mật báo viên Z.80, được cán bộ điều khiển F/ Đặc biệt xử dụng làm giao liên cho Z.80. Cả hai gia đình đều sống nghề ruộng rẩy và buôn bán tại chơ Long Hoa, nên cả hai đứa con gái thỉnh thoảng có theo cha mẹ đi vào vùng chân núi Bà. Đã hơn 2 tuần trôi đi, mà bất cứ lúc nào gặp được cán bộ điều khiển của Z.80, chúng tôi đều yêu cầu làm sao cho con của Z.80 đến gặp và dụ con của 10 B. đi vào trong vùng Suối Đá để trông coi ruộng rẫy, cũng như đặt nhu cầu cho cả hai đứa gặp được 2 tên Ba Dừa và Tư Tịnh trong đó. Nếu gặp được 2 tên này, gợi ý cho nó biết về việc ông Tướng Thành bị giết trong nội ô Tòa Thánh để xem phản ứng của chúng ra sao. Hơn một tuần sau, chúng tôi được báo là khi hai đứa đi vào trong rẫy, con của Z.80 thấy có 1 tài xế xe lôi, được miễn dịch vì cụt mấy ngón chân trái, có chở một cô con gái đến gặp tên Ba Dừa, trong lúc đó, con của 10.B cho biết là tài xế này tên Thuận, thường lui tới vùng này để gặp tụi Việt cộng.
Ngay khi được báo cáo, chúng tôi liền cho mời con của Z.80 đến nhà an toàn để hỏi thêm chi tiết, trong khi đó tất cả nhân viên Đặc Nhiệm được tung ra khắp vùng tỉnh lỵ, nhưng đặc biệt là vùng chợ Long Hoa để tìm cho bằng được tài xế xe lôi tên Thuận, đưa về một nhà an toàn khác. Mãi đến hơn 2 ngày sau, chúng tôi mới tìm được tên Thuận. Khi gặp chúng tôi, lúc đầu hắn giả vờ tỏ vẻ ngơ ngác, gần như không biết gì và chối cả việc vào gặp 2 tên Ba Dừa,Tư Tịnh. Nhưng cuối cùng, khi nhắc đến cô gái tên V.T.B, con của 10.B thì hắn hết đường chối cãi và khai tất cả chi tiết. Từ lời khai của tên Thuận, chúng tôi chúng tôi có hai việc phải làm ngay:
- Truy bắt cô gái tên Lan, ngụ trong một căn nhà lụp sụp gần ngã tư Ao Hồ, trên đường đi ngang qua trường nữ trung học. Tên Lan, là người đã cung cấp chất nổ và lựu đạn cho tên Thuận mang vào Nội ô để giết Tướng Thành. Theo lời chỉ dẫn của tên Thuận, trên đường vào nhà tên Lan, chúng tôi có gặp cô gái điên, mà có đề cập phần trên, đang lãng vãng trên đường, gần khu vực nhà tên Lan. Khai thác tên Lan tại chỗ, y thị cho biết chỉ là người thi hành mọi quyết định của tên trưởng nhóm, là cô gái giả điên mấy tháng nay nhận lệnh trực tiếp của 2 tên Ba Dừa và Tư Tịnh, thuộc huyện ủy Tòa Thánh. Ngay tức tốc chúng tôi tỏa ra tìm, kể cả việc gọi cho các nút chận của Cảnh Sát trên khắp mọi nẽo đường. Hỏi người dân chung quanh, họ cho biết cô gái điên đã đón xe ôm chạy ra hướng quốc lộ 22 (đường nối liền Saigon, Tây Ninh)
- Truy bắt tên chính phạm đã đặt chất nổ giết Tướng Thành, tên Nguyễn văn Cui. Việc này hơi khó khăn cho chúng tôi, vì tên Cui đang trú ngụ bên trong nội ô Tòa Thánh, mà lúc đó đã xế chiều, do đó chúng tôi phải cho người vào trong Trại Đường trong Nội Ô để ngủ chung với tên Cui, chờ sáng ra rủ hắn đi uống cafe ngoài Tòa Thánh mới bắt được (qui định của Hội Thánh là không ai được quyền bắt người trong phạm vi nôi ô). Ở bên tên Cui suốt đêm, đương nhiên nhân viên chúng tôi không thể nằm ngủ mà cứ tìm cách lân la trò chuyện và lo cả chăn mền cho hắn ngủ (nhân viên chúng tôi giả dạng thành phần trốn quân dịch, ở tỉnh xa trốn vào nội ô để được yên thân). Tên Nguyễn văn Cui là một tổ chức đặc công hoạt động vùng Trảng Bàng (thuộc Tỉnh Hậu Nghĩa), được bọn Việt cộng huấn luyện từ mật khu Hố Bò đưa về Tây Ninh, chỉ một mình y, để giết Tướng Thành.
Cô gái điên này là người đích thân đi điều nghiên, đợi thời cơ thuận lợi và toàn quyền quyết định phương cách để giết Tướng Thành.
Hôm đó là ngày 17 tháng 12 năm 1973, nghĩa là còn 5 ngày nữa là hết hạn mà Đại tá Trưởng Khối Đặc Biệt đã giao cho chúng tôi.
Ngay sau khi bắt được tên Nguyễn văn Cui, chúng tôi đã gọi máy SA.100 báo cáo trực tiếp cho văn phòng Đại Tá Trưởng Khối Đặc Biệt. Sau khi chúng tôi trình bày diễn tiến cũng như kết quả sự việc, Đại tá Trưởng Khối chỉ hỏi chúng tôi có một câu là “mấy cậu có đánh nó không? ”. Thật sự, từ khi bắt tên Thuận và những tên sau này, chúng tôi chưa cũng như không hề dùng biện pháp đánh đập với bất cứ tên nào! Tất cả nhóm này chỉ có 4 tên: cô gái điên tên Nga (trốn thoát), tên Thuận mang chất nổ cho tên Cui (ngụ trong Tòa Thánh), tên Cui thực hiện vụ ám sát bằng chất C4 đựng trong lon sửa Guigo, móc phía bên ngoài cửa sổ ngay đầu giường Tướng Thành và tên Lan trực tiếp gặp gỡ, chỉ đạo hai tên Thuận và Cui thi hành mọi việc do tên Nga quyết định.
Phần còn lại là chúng tôi phải giải quyết tình trạng con của 10.B, tên V.T.B, vì theo tên Thuận, hắn đã nêu rất rõ sự hoạt động của V.T.B, cho bọn Việt cộng huyện Tòa Thánh, hay ít nhất là làm giao liên giữa 10.B và Ba Dừa hoặc Tư Tịnh. Nhưng nếu chúng tôi bắt V.T.B thì thế nào nó cũng khai ra 10.B, mà 10.B thì chúng tôi không thể bắt vì hắn là cơ sở của TBV/ X.92, nếu bắt hắn chắc chắn TBV/ X92 sẽ bị lộ. Nếu chúng tôi không bắt, sau khi tên Thuận đã khai ra, công tác cũng bị đe dọa và TBV X.92 sẽ bị nghi ngờ ngay. Hoạt động của V.T.B chúng tôi đã biết từ lâu, nhưng chúng tôi bao che cho V.T.B vì muốn dùng đứa con này để khống chế 10.B, nếu không, X.92 sẽ bị 10.B kiểm soát chặt chẽ hơn và công tác sẽ bị nguy hiểm hơn. Bây giờ chỉ làm sao cho V.T.B đi trốn một thời gian, vài ba tháng cũng được, chờ giải quyết mấy tên bị bắt, rồi trở về như trước.
Ngay hôm sau, sau khi bắt tên Nguyễn văn Cui, chúng tôi phối hợp với cuộc CSQG Xã Hiệp Ninh tổ chức cuộc hành quân kiểm soát tờ khai gia đình. Cảnh Sát sắc phục của Cuộc địa phương kiểm soát khu vực ngoài, còn Cảnh Sát Đặc Biệt kiểm soát khu vực nhà 10.B và những nhà chung quanh. Nhà 10.B chúng tôi biết rất rõ, nhưng khi hành quân gần tới, chúng tôi lại chỉ hỏi mấy nhà lân cận, hỏi cháu V.T.B có nhà không, cháu có thường đi làm rẩy trong vùng núi hay không, v.v... mà không hỏi thẳng với vợ chồng 10.B. Khi đến nhà 10.B chúng tôi chỉ kiểm tra giấy tờ sơ sài, không dám hỏi nhiều, nhất là hỏi đến tên V.T.B. Đúng như dự đoán, tên V.T.B đã khăn gói rời nhà từ sáng sớm hôm sau, mà theo vợ 10.B cho hàng xóm biết là đi về nhà người bà con ở Trảng Bàng để làm ăn gì đó! (được biết, khoảng hơn 3 tháng sau, sau khi những tên bị bắt và Tòa án quân sự kết tội, V.T.B trở về sống với gia đình như cũ).
Sau đó, chúng tôi chuyển tất cả về Khối Đặc Biệt để tiếp tục thẩm vấn và làm thủ tục trình tòa án Quân Sự .
Khoảng tháng 3 năm 1973, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia đã tổ chức họp báo tại Saigon, có mời Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và tất cả báo chí đến dự. Người chủ tọa cuộc họp báo đó là Phụ Tá Tư Lệnh Trưởng Khối Đặc Biệt. Hội Thánh Tây Ninh đã đề cử Châu Đạo Saigon thay cho Hội Thánh. Sau đó, các tên bị bắt được đưa ra Tòa án Quân Sự Mặt Trận kết án.
Với màn lưới tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia, không kể của các cơ quan bạn đang hoạt động tại Tỉnh Tây Ninh như : Phủ Đặc Ủy/ TƯTB, Ty An Ninh Quân Đội, Phòng II Tiểu Khu, Đơn vị 101 v.v... chúng ta đều biết rất rõ việc cộng sản đang tìm cách giết cho bằng được Tướng Nguyễn Văn Thành. Nhiệm vụ bảo vệ ông, không phải là riêng của Cảnh Sát, mà là của các cơ quan an ninh tại địa phương. Biết bao nhu cầu tình báo được đặt ra, nhưng không thấy có được câu trả lời nào xác thực, như về tổ chức hoặc cá nhân nào sẽ thực hiện việc này.
Qua diễn tiến sự việc phần trên, chúng ta thấy bọn cộng sản đã làm một việc ngoài qui định, là một trong hai tên Ba Dừa và Tư Tịnh (thuộc huyện ủy Tòa Thánh) tự chọn nhân sự và điều khiển, mà không giao cho các cơ sở có sẵn. Một là vì tầm quan trọng của công tác, mà chính tên Ba Dừa đã nhận lệnh trực tiếp từ Trung Ương Cục miền Nam, trong một cuộc họp mật được tổ chức tại căn cứ địa nằm giữa núi Bà Đen và Xa Mách vào đầu năm 1971, (mà TBV X.92 đã báo cáo trước). Cuộc họp này, dưới sự điều khiển của Phạm Hùng, Ủy Viên TƯC. Trong lúc bọn chúng đang họp, đã bị không quân của ta, xuất phát từ Củ Chi và Biên Hòa, oanh tạc suốt cả ngày. Hai tên Phạm Hùng và Võ văn Kiệt đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Điều cần biết thêm, bọn Tỉnh ủy Việt cộng Tây Ninh vẫn giữ quận Trảng Bàng thuộc lãnh thổ của Tỉnh mà không phân chia theo địa giới của Việt Nam Cộng Hòa (tức thuộc Tỉnh Hậu Nghĩa), đây là một điều kiện giúp cho chúng được xử dụng tổ chức đặc công của Quận Trảng Bàng lên để giết Tướng Thành trong nội ô Tòa Thánh.
Ngoài tầm quan trọng nêu trên, bọn cộng sản rất hoang mang với những đợt truy bắt của chúng ta, trước cũng như sau các đợt tấn công của chúng vào mùa hè 1972, mà một trong những tỉnh nằm trong mục tiêu tấn công có Tỉnh Tây Ninh, (bọn cộng sản muốn đánh chiếm tỉnh Tây Ninh và Tòa Thánh Cao Đài để mặc cả với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng như với Hoa Kỳ tại Hòa Đàm Ba Lê - báo cáo của TBV.X92). Từ cuối năm 1971, sau khi trình Khối Đặc Biệt, và được sự chấp thuận của Tỉnh Trưởng, chúng tôi đã phá vỡ hàng loạt những công tác nào xét thấy không tiến triển, cũng như không cần thiết, vì nhu cầu quân sự, vô hiệu hóa hàng loạt những tên cộng sản, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, từ cấp tỉnh cho đến cấp quận, cấp xã, ấp...
Chúng ta đã thành công trong việc phá vở tổ chức đơn tuyến này, nhưng chúng tôi đã thua, thua một đứa con gái giả điên. Hai tên Nga và Lan đã có mặt tại Tòa Thánh trong đêm 21 rạng 22/ 11/ 1972, và tên Lan đã vứt lại khẩu súng do tên Nga giao cho, trên đường rút lui ra vùng ngoại ô Tòa Thánh. Trong nghiệp vụ tình báo, chúng ta chấp nhận khi thắng, khi thua và đôi khi còn đánh đổi cả sinh mạng của mình hay của bạn bè. Sự thua trong trường hợp này, là một bài học khó quên đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những năm phục vụ sau này cho tới ngày mất nước, tháng 4/1975. Ngay khi đang viết lại mẫu chuyện này, tôi có cãm tưởng như mới xảy ra hôm qua... dù đã hơn 30 năm!
Trong phần đầu, trước khi đi sâu vào những tình tiết của bài này, chúng tôi định viết rất nhiều về những gì mà chúng tôi biết về Cựu Trung Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành. Nhưng khi bắt đầu, chúng tôi không dám, vì chỉ ngại là đọc giả sẽ cho là chúng tôi vì phục vụ tại địa phương Tây Ninh cũng như thường được tiếp xúc, gần gũi với Tướng Thành, nên chỉ có thể viết những điều tốt về ông mà thôi. Đối với nhiệm vụ của người Cảnh Sát Quốc Gia, dù ở bất cứ nơi nào, chúng tôi chỉ biết phục vụ đất nước trong tinh thần chí công vô tư và qua những mệnh lệnh từ trung ương, của Bộ Tư Lệnh cũng như của tỉnh trưởng địa phương, dù rằng, đôi khi những mệnh lệnh đó đi ngược lại với cách sống và cách nhìn của cá nhân mình. Chúng tôi không dám thần thánh hóa cuộc đời của Trung Tướng Thành cũng như không dám phê bình về sự khiếp nhược của một số người, mà nhất là những người đã đi trước cũng như sống trước chúng tôi một thế hệ.
V/ PHẦN KẾT:
Thưa Trung Tướng,
Đã hơn 33 năm, giờ đây chắc Trung Tướng đã an vị ở một vị trí nào đó mà ơn trên đã ân ban cho Trung Tướng. Ba mươi ba năm, đất nước Việt Nam cũng đã qua biết bao thay đổi. Xã hội phân ly, lòng người thống hận!
Khi viết xong bài này, tôi có cảm giác như tôi vừa trả xong hai món nợ mà tôi đã mang từ Trung Tướng, kể từ lần đầu tiên tôi được gặp ông vào năm 1970.
Món nợ thứ nhất là tôi mang của chính Trung Tướng, khi được Ông kể cho tôi nghe tất cả những gì mà Ông đã gánh chịu, những thiệt thòi cho bản thân cũng như cho gia đình, kể cả những hiểm nguy trước mắt, mà một người chiến sĩ Quốc Gia, không thể tránh khỏi. Biết về Ông, biết những hiểm nguy đang chờ Ông, mà tôi là một trong những người có nhiệm vụ phải bảo vệ, mà không thể làm gì hơn được. Trong lòng tôi luôn bị ray rứt mỗi khi có dịp nghĩ đến Ông. Âu là số mệnh! Mà nếu phải là số mệnh, chắc Trung Tướng cũng đã mĩm cười và tha thứ cho tôi. Ít nhứt trong hơn 30 năm qua, và cho đến hôm nay, Trung Tướng vẫn còn được người ta nhắc đến, có nghĩa là Trung Tướng vẫn chưa chết. Những gì mà Trung Tướng để lại cho tha nhân, vẫn còn được người ta quý trọng, có nghĩa là cuộc đời của Trung Tướng vẫn là một tấm gương cho mọi người noi theo, hay đúng hơn là cho những ai muốn dấn thân lo cho đất nước.
Món nợ thứ hai là đối với Chính quyền Quốc Gia, trước những ngờ vực, mà đến nay vẫn còn, là ai đã giết Trung Tướng Nguyễn Văn Thành. Trung Tướng mất đi, bị giết ngay trong phạm vi Tòa Thánh Tây Ninh, đã chứng minh cho mọi người thấy được sự dã man của bọn vô thần, bọn quĩ đỏ, để cho những ai còn mơ tưởng ở bọn chúng, hãy xét lại cho tận tường! Ngày xưa, dù ai có quyền uy, chức tước đến đâu, muốn vào nội ô Tòa Thánh, vũ khí phải để bên ngoài (kể cả những người cận vệ). Đó là luật của Đạo, mà mọi người đều phải tuân theo. Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hay nói cho đúng hơn là ngay ngày 30 tháng 4, bọn cán binh Việt cộng đã nghênh ngang mang súng ống, đi lục lạo hết nơi này đến nơi khác trong Nội ô, thì bảo sao người tín hữu Cao Đài có thiện cảm và hợp tác với chúng!. Bọn chúng có thể làm bất cứ điều gì và bất cứ nơi đâu, dù cho tàn ác thế nào đi nữa, miễn là đạt được mục đích mà đồng bọn đã giao phó. Từ đó, chúng ta còn mong chờ gì ở sự tự do, dân chủ, một cái bánh vẻ mà chúng rêu rao để làm lợi khí tiếp tục bóc lột và đàn áp nhân dân, một việc mà chúng đã làm từ khi chủ thuyết cộng sản du nhập vào đất nước Việt Nam, do bàn tay tên bán nước Hồ chí Minh.
(10/2005)
- *** -
Để hiểu rõ hơn về cuộc đời của Cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Thành, chúng tôi xin sơ lược phần Tiểu Sử của Ông sau đây:
Tiểu sử Cựu Trung Tướng Cao Đài NGUYỄN VĂN THÀNH
- Sanh vào ngày Tết Nguyên Đán năm Bính Thìn (1916) tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá.
- Năm 20 tuổi (1936) hiến thân cho Đạo, về Tòa Thánh Tây Ninh làm công quả.
- Năm 1941, khi Pháp chiếm đóng Tòa Thánh, Ông cùng một số đồng Đạo rút vào hoạt động bí mật, qui tụ các thanh niên yêu nước, mến Đạo thành lập đạo Nghĩa Binh Cao Đài, chờ ngày lật đổ Pháp và phục hưng Đại Đạo
- Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Ông tham gia cuộc đảo chính lật đổ thực dân Pháp.
- Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Ông đã khuyến cáo các đồng môn về những chiêu bài Liên hiệp lừa bịp mà Việt Minh đưa ra lúc bấy giờ.
- Tháng 9 năm 1945, Pháp tái xâm chiếm VN, Ông rút các đồng môn về lập chiến khu chống Pháp, nhưng bất hợp tác với Việt Minh cộng sản. Khắp miền Đông Nam bộ đã lừng danh các Chi Đội 7 và 8 do Tư lệnh Nguyễn Hoài Thanh (tức Nguyễn Văn Thành) và Tướng Trịnh Minh Thế chỉ huy. Việt Minh lần hồi tước khí giới, thanh toán các lực lượng Quốc gia, nhưng chưa dám đụng tới 2 Chi đội này.
- Tháng 8 năm 1946, Pháp trả lại quyền cho Đạo, Ông vâng lệnh Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trở về hợp tác chống Cộng và bảo vệ Đạo. Quân đội Cao Đài được thành lập từ đó.
- Từ năm 1948, Ông là một trong những người đầu tiên góp phần vào công cuộc xây dựng quân đội Quốc Gia Việt Nam, dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại.
- Năm 1951, Ông được vinh thăng Trung Tướng và được cử làm Tư Lệnh quân đội Cao Đài.
- Năm 1955, Ông chống đối việc đàn áp giáo phái và bị bắt xử án tử hình. Án không thi hành, mà chỉ bị đày đi Côn Đảo. Trước tòa án, Ông đã tỏ rõ khí tiết của người chiến sĩ Cách Mạng. Ông còn có tên Thánh là Trung Dỏng.
- Năm 1963, cuộc đảo chánh đã giải thoát ông khỏi cảnh tù đày, Ông được đưa về Tòa Thánh với tất cả danh dự của người chiến sĩ Cách Mạng.
- Nam 1964, ông được mời tham gia Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp.
- Năm 1968, Ông quyết định từ bỏ mọi hoạt động chính trị, trở về Tòa Thánh hành đạo và được Đức Lý Giáo Tông giáng cơ ban quyền Tổng Thanh Tra Đặc Trách Chính Trị Đạo kiêm Tổng Quản Cơ Thánh Vệ và Cơ Bảo Thể.
- Ngày 22 tháng 11 năm 1972, Ông bị bọn cộng sản ám sát lúc 4 giờ 30 sáng tại văn phòng, trong nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.
---***---